|
Đối tượng Nguyễn Quý Phúc (ảnh cơ quan công an cung cấp). |
ICTnews- Sau khi dùng phần mềm gián điệp chiếm đoạt tài
khoản Yahoo, hai thanh niên đã dùng tài khoản đó để lừa hàng chục nạn
nhân, chiếm đoạt số tiền lên tới 400 triệu đồng.
Thời gian vừa qua, Đội cảnh sát phòng chống tội
phạm sử dụng công nghệ cao- Công an Hà Nội (Phòng PC45 ) nhận được một
số đơn trình báo về việc bị trộm cắp mật khẩu tài khoản (nick chat), sau
đó giả danh là chủ nick để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người.
Đến chiều 29/6, Phòng PC45 cho biết, vừa bắt
Nguyễn Quý Phúc (19 tuổi) và Phùng Ngọc Tuấn (21 tuổi cùng ở quận Lê
Chân, Hải Phòng) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo lời khai ban đầu tại cơ quan điều tra, đầu
năm 2011 đến nay, với thủ đoạn trộm cắp mật khẩu tài khoản Yahoo
Messenger (nick chat) thông qua phần mềm gián điệp và giả danh chủ nick
đó, Phúc và Tuấn đã lừa được hơn chục "con mồi", trong đó có cả cán bộ
ngoại giao, nhân viên ngân hàng...
Khoảng tháng 02/2011, khi đến chơi điện tử tại
quán Game trên đường Dân Lập, Hải Phòng, Phúc được Mạnh (là bạn chơi
điện tử, chưa xác định được lý lịch) cho 02 tài khoản thư điện tử là:
doilathe1102@gmail.com,
doilathehp@gmail.com. Các tài khoản này là nơi
chứa (tiếp nhận) các thông tin (bao gồm cả mật khẩu, tên truy cập) gửi
đến từ các máy tính bị cài phần mềm gián điệp Keylogger. (Người sử dụng
khi thao tác trên bàn phím máy tính bị cài phần mềm này, sẽ bị lưu lại
tất cả các thông tin đã thao tác. Các thông tin đó sẽ tự động gửi về 02
hộp thư điện tử nói trên).
Ngày 2/06, Phúc phát hiện tại hòm thư
doilathe1102 có thông tin truy cập của nick ông N.N.H, hiện trú phố
Nguyễn Ngọc Nại, Thanh Xuân, Hà Nội). Phúc đã đăng nhập vào nick này,
rồi đổi mật khẩu truy cập, giả danh làm ông H. để lừa, vay tiền những
người có tên trong danh bạ của ông.
Ngày 13/6, Phúc đã lừa ông V.H.L (SN 1962), cán
bộ ngoại giao Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc lấy 110 triệu đồng, thông qua
thủ đoạn giả danh ông H mượn ông V.H.L thẻ tín dụng (American express)
của Ngân hàng Vietcombank Việt Nam để trả tiền cho khách hàng.
Tiếp tục điều tra mở rộng, cơ quan công an còn xác định, cũng bằng thủ
đoạn tương tự, Phúc đã thực hiện thành công gần 10 vụ khác trong khoảng
thời gian từ tháng 3 đến tháng 6/2011. Những nạn nhân dính “bẫy” của
Tuấn và Phúc ở nhiều tỉnh, thành khác nhau.Trong đó, riêng tại khu vực
phía Nam đã có 3 người bị hại với tổng số tiền bị chiếm đoạt lên đến hơn
96 triệu đồng.
Hiện phòng PC45 –CATP Hà Nội đang xác minh mở
rộng vụ án. Ai là bị hại bị hack nick và bị lừa đảo chiếm đoạt trên mạng
Internet, liên hệ với Đội 14 - PC45 để cung cấp thông tin theo số điện thoại 043.9396134
TP